hướng dẫn khi làm việc với báo chí và xử lý thông tin báo chí
Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động báo chí gồm:
1. Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 05/4/2016 (Luật Báo chí 2016);
2. Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước;
3. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản;
4. Văn bản số 3366/BTTTT-CBC ngày 28/9/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sử dụng các loại giấy tờ, thẻ gây nhầm lẫn với Thẻ nhà báo và các quy định có liên quan trong lĩnh vực báo chí;
5. Văn bản số 3817/BTTTT-CBC ngày 28/10/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác thông tin, tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các kỳ họp Quốc hội khóa XIV.
Qua thực tế công tác quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk trao đổi, hướng dẫn một số nội dung trong việc tiếp xúc, cung cấp thông tin và phối hợp xử lý thông tin báo chí như sau:
1. Công tác phối hợp, tiếp xúc với báo chí:
Khi nhận được đề nghị làm việc của phóng viên báo chí, các đơn vị, địa phương lưu ý thực hiện các nội dung sau:
1.1. Người đứng đầu hoặc người được phân công nhiệm vụ thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí quan tâm, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện để báo chí tiếp cận với những thông tin chính thống từ các cơ quan, đơn vị liên quan, nhằm bảo đảm thông tin khi đăng phát trên báo chí được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phải quan tâm nâng cao trách nhiệm trong việc xem xét, xử lý các vấn đề báo chí nêu liên quan đến trách nhiệm của mình, thực hiện việc phản hồi thông tin báo chí theo đúng quy định của Luật Báo chí 2016, đồng thời theo dõi việc đăng tải phản hồi của các cơ quan báo chí.
1.2. Đề nghị phóng viên xuất trình Thẻ nhà báo còn thời hạn sử dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Trường hợp phóng viên không có Thẻ nhà báo, đề nghị xuất trình Giấy giới thiệu (kèm giấy tờ tùy thân có dán ảnh). Giấy giới thiệu chỉ có giá trị trong thời hạn nhất định do cơ quan báo chí cấp; ghi rõ tên cơ quan, tổ chức cần làm việc; nội dung và thời gian làm việc cụ thể với chính cơ quan, đơn vị và phóng viên đến làm việc.
Lưu ý: Cần nhận biết Thẻ nhà báo để tránh nhầm lẫn với các loại thẻ, giấy tờ khác như Thẻ phóng viên, Thẻ hội viên, Thẻ tác nghiệp, Thẻ báo chí...(kèm theo mẫu Thẻ nhà báo để các cơ quan, đơn vị nhận biết). Trong các loại thẻ nêu trên, chỉ có Thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp mới được sử dụng trong hoạt động tác nghiệp báo chí.
Nếu phóng viên không xuất trình được một trong hai loại giấy tờ nêu trên (Thẻ nhà báo hoặc Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí), các đơn vị, địa phương có quyền từ chối đề nghị cung cấp thông tin của phóng viên.
1.3. Khi nhận được đề nghị cung cấp thông tin hoặc đăng ký làm việc, các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo và đối chiếu Danh sách tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ
https://mic.gov.vn/Pages/Tintuc/142418/Ton-chi-muc-dich-cac-co-quan-bao-chi.html để cung cấp, trao đổi thông tin chính xác, hiệu quả, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật và tham khảo Danh sách các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phóng viên tác nghiệp thường xuyên trên địa bàn tỉnh được Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải công khai trên Trang Thông tin điện tử tại địa chỉ: https://stttt.daklak.gov.vn/-/danh-sach-phong-vien-cac-co-quan-bao-chi-co-van-phong-ai-dien-hoac-phong-vien-thuong-tru-tren-ia-ban-tinh-ak-lak.
1.4. Trong quá trình trao đổi hoặc trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí, người được phân công phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, đơn vị có thể ghi âm lại toàn bộ nội dung buổi làm việc, nội dung trả lời phỏng vấn của phóng viên, để khi cần thiết làm căn cứ phản hồi cho báo chí hoặc trong giải quyết khiếu nại liên quan đến nội dung báo chí đăng tải (nếu có).
1.5. Trường hợp chưa có thông tin đầy đủ và chính xác để cung cấp theo đề nghị của phóng viên, người có thẩm quyền thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sắp xếp lịch hẹn cụ thể để cung cấp thông tin cho báo chí qua một trong những hình thức sau: văn bản, email, đăng thông tin ...Việc sắp xếp lịch làm việc với phóng viên cần đảm bảo tính kịp thời.
1.6. Đối với thể loại phỏng vấn, người được phỏng vấn có quyền đề nghị phóng viên cho xem lại bài trước khi cơ quan báo chí đăng, phát. Cơ quan báo chí và người phỏng vấn phải thực hiện yêu cầu đó (Quy định tại mục 2, điều 40 Luật Báo chí năm 2016).
1.7. Sao chụp lại Thẻ Nhà báo hoặc Giấy giới thiệu; Phiếu yêu cầu nội dung phỏng vấn hoặc cung cấp thông tin (nếu có); Lưu trữ những nội dung đã cung cấp cho báo chí (file ghi âm, file văn bản....… để lưu hồ sơ công việc, khi có những sự kiện pháp lý để làm cơ sở xem xét giải quyết).
2. Đề cao cảnh giác đối với các hành vi giả mạo phóng viên báo chí, lợi dụng danh nghĩa phóng viên báo chí để trục lợi. Trong quá trình làm việc với phóng viên, nếu có nghi vấn cần báo ngay cho Công an có trụ sở đóng trên địa bàn hoặc Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk để phối hợp xử lý theo quy định.
3. Công tác phản hồi báo chí:
3.1. Đối với thông tin thiếu khách quan, không đúng sự thật
Khi các cơ quan, đơn vị, địa phương có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống hoặc thông tin gây hiểu nhầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, đơn vị thì có quyền gửi ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí hoặc cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk), hoặc khởi kiện tại Tòa án theo Điều 43 của Luật Báo chí năm 2016.
Trích yếu văn bản gửi cơ quan báo chí ghi rõ “phản hồi thông tin báo nêu” và theo dõi kết quả đăng phản hồi của các cơ quan báo chí. Nội dung văn bản phản hồi thông tin báo chí không được xúc phạm đến uy tín của cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả, tác phẩm báo chí.
Khi gửi văn bản phản hồi thông tin cho cơ quan báo chí thì đồng gửi cho Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện công tác quản lý nhà nước về báo chí.
3.2. Đối với nội dung báo chí phản ánh đúng thực tế:
Khi thông tin báo chí phản ánh khách quan, đúng thực tế, đơn vị, địa phương cần tiếp thu để khắc phục những sai sót, khuyết điểm. Đồng thời, có văn bản phản hồi tiếp thu nội dung mà cơ quan báo chí đã phản ánh; kịp thời cung cấp kết quả xử lý các vấn đề báo chí nêu cho cơ quan báo chí đã phản ánh. Đối với những vấn đề phức tạp, cần thêm thời gian giải quyết thì cung cấp thông tin xử lý ban đầu và dự kiến nội dung các công việc sẽ thực hiện trong thời gian tới cho cơ quan báo chí. Khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền thì cung cấp kịp thời cho cơ quan báo chí đã nêu vấn đề trước đó.
4. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu một số quy định và chế tài xử phạt trong lĩnh vực báo chí sau:
4.1 Cần nắm rõ các điều, khoản sau đây của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản: Điều 6. Vi phạm quy định về hoạt động báo chí, sử dụng thẻ nhà báo; Điều 7. Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí; Điều 8. Vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san; Điều 9. Vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí; Điều 10. Vi phạm quy định về cải chính trên báo chí. Trong đó, đặc biệt lưu ý các nội dung quy định tại Điều 7 và Điều 9.
4.2. Cần nắm rõ các điều, khoản sau đây của Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước: Điều 5. Phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ; Điều 6. Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường; Điều 7. Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Điều 8. Quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn; Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên; Điều 10. Xử lý vi phạm.
5. Đầu mối trao đổi với Sở Thông tin và Truyền thông:
Sở Thông tin và Truyền thông phân công Đ/c Nguyễn Hoàng Dưỡng, Phó Trưởng phòng Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản (TT-BC-XB), số điện thoại: 0914179079; Đ/c Huỳnh Sự, chuyên viên Phòng TT-BC-XB, số điện thoại: 0934808588 làm đầu mối để khi cần các đơn vị liên hệ; (Trong giờ hành chính liên hệ qua số điện thoại của Phòng TT-BC-XB: 0262.3610123).
Trong quá trình vận dụng vào thực tiễn, nếu phát hiện nội dung nào chưa phù hợp với quy định của pháp luật, hoặc gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng văn bản về Sở Thông tin và Truyền thông. Khi có các quy định mới của cấp trên Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có hướng dẫn bổ sung kịp thời.
(Trong trường hợp cần thiết có thể phản ánh qua đường dây nóng của Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, số điện thoại 0865.282828; email: duongdaynongbaochi@mic.gov.vn)